Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Đuối nước trên cạn, hung thần rình rập con bạn trong bể bơi

Thông thường, khi đi bơi về, các bé sẽ rất mệt, việc các bé kêu buồn ngủ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, ba mẹ hãy hết sức lưu ý giấc ngủ của con sau buổi bơi nhé! Trong nhiều trường hợp, các bé sẽ ngủ một giấc thật sâu rồi tỉnh dậy bình thường. Nhưng cũng có một số trường hợp hiếm gặp là bé ngủ li bì, thậm chí sùi bọt mép và…ra đi mãi mãi. Các chuyên gia nói đây là hiện tượng “đuối nước trên cạn”.Đuối nước trên cạn xảy ra khi bé trong quá trình bơi bị uống phải nước, đôi khi chỉ là lượng nước rất nhỏ nhưng không may nó vẫn đủ để khiến phổi không hô hấp được. Chính vì thế, nếu chẳng may con bạn bị sặc nước hay uống phải nước trong quá trình bơi, bạn hãy luôn chú ý đến con trong vòng 72 giờ sau đó, tránh trường hợp con bị đuối nước trên cạn mà mình không hay biết hoặc không xử lý kịp sẽ để lại hậu quả khôn lường. Trong trường hợp bé bị đuối nước trên cạn, bạn hãy thật bình tĩnh và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất nhé!

Nguyễn Thị Hiếu

Giải pháp phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ

Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao

Để phát triển chiều cao tối đa cho trẻ, cần nắm rõ những thời điểm vàng để cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao, đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì.

Thời kỳ bào thai, nếu người mẹ ăn uống tốt, tăng từ 10-15kg (trong 9 tháng mang thai) thì con sẽ đạt được chiều cao từ 50cm trở lên và có cân nặng khoảng 3kg lúc chào đời.

Giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao một cách mạnh mẽ nhất. Trong 12 tháng đầu trẻ có thể tăng 25cm, 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.

Trong giai đoạn dậy thì (con gái từ 10-16 tuổi, con trai từ 12-18 tuổi) cơ thể sẽ có 1-2 năm chiều cao tăng vọt từ 8-12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm. Tổng cộng mức tăng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của thời kỳ dậy thì.

Giai đoạn dậy thì, trẻ có bước phát triển chiều cao vượt trội.

Đa số các kết quả nghiên cứu đều cho rằng, chiều cao của con người ảnh hưởng bởi các yếu tố: dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), rèn luyện thể lực (20%), môi trường sống, bệnh tật, giấc ngủ... Nếu được nuôi dưỡng tốt, trong cùng một gia đình, thế hệ sau luôn có chiều cao vượt hơn thế hệ trước. Thế nhưng thực tế cho thấy, trẻ em Việt Nam vẫn thấp hơn trẻ em nước khác? Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Trước đây thể lực người Việt nhỏ nhắn thường bị đổ lỗi do di truyền, nhưng theo con số thống kê thì yếu tố di truyền chỉ chiếm 23%, vậy yếu tố nào khiến chiều cao của thanh niên Việt chưa phát triển vượt bậc? Một điều đáng quan tâm là đa số trẻ em Việt Nam sinh ra với chiều dài trên 50cm, tức không khác biệt bao nhiêu so với trẻ sơ sinh trên thế giới. Những năm đầu đời, độ chênh lệch này cũng không nhiều. Từ khoảng 3 tuổi trở đi, khoảng cách chiều cao giữa trẻ em Việt Nam và thế giới lại lớn dần, đến độ tuổi trưởng thành, thanh niên Việt Nam thấp bé hẳn so với thế giới. Có thể thấy đây là kết quả do sự nuôi dưỡng và chăm sóc không phù hợp, làm mất tiềm năng chiều cao trên con đường trưởng thành của trẻ.

Dinh dưỡng - Chìa khóa then chốt để phát triển chiều cao

Quan trọng nhất của việc tăng chiều cao là dinh dưỡng phù hợp, tức là phải cung cấp các chất dinh dưỡng đúng theo nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn phát triển.

Giai đoạn nhũ nhi: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn, đến 6 tháng tuổi cho trẻ ăn bổ sung. Một ngày cho trẻ ăn 3 bữa ăn chính vào sáng, trưa, tối và thêm 2-3 bữa phụ vào giữa buổi sáng và sau giấc ngủ trưa để giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao. Thức ăn cần đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời phải phong phú chủng loại thực phẩm.

Giai đoạn 3-10 tuổi: Giai đoạn này, năng lượng cung cấp cho trẻ phải đủ, phù hợp với lứa tuổi, không quá dư vì dễ dẫn tới béo phì, cũng không quá ít vì dễ đưa đến suy dinh dưỡng. Bữa ăn của trẻ bao giờ cũng phải đầy đủ 4 nhóm: đạm - bột - béo - rau. Chất đạm nên chiếm khoảng 10-15% tổng năng lượng nói chung, tinh bột chiếm 60-65% và chất béo 10%. Nên cho trẻ ăn đa dạng, không kiêng khem, không ăn uống thiên lệch. Các vi chất cần thiết trong giai đoạn này gồm: Vitamin và khoáng chất có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Canxi có nhiều trong sữa, cua, ốc, tôm, tép, đậu nành và các loại rau, trong đó sữa là quan trọng nhất, canxi trong sữa dễ hấp thu do có vitamin D và phốt-pho với tỷ lệ hợp lý.

Giai đoạn dậy thì: Đây là giai đoạn quan trọng phát triển chiều cao của mỗi người. Muốn chiều cao phát triển tốt, cha mẹ và các em phải cực kỳ ý thức “chăm sóc” chiều cao ngay từ giai đoạn mới bắt đầu dậy thì (11-12 tuổi trở đi). Nếu bỏ qua giai đoạn dậy thì tức là đã hoài phí một cơ hội ngàn vàng tăng trưởng chiều cao và cơ hội sẽ không bao giờ trở lại một lần nữa.

Ở giai đoạn dậy thì, cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng. Nam cần 2.500-2.800 calo và nữ cần ít nhất 2200 calo mỗi ngày. Khẩu phẩn ăn nhiều protein sẽ giúp trẻ cao lớn và phát triển tốt hơn. Vì protein có chức năng xây dựng hệ thống cơ bắp. Cần ăn thịt nạc, sữa ít béo, các loại hạt, trái cây tươi và rau quả, thực phẩm giàu canxi (sữa, tôm cua...). Nên hạn chế ăn uống các loại thức ăn vặt không chứa hoặc chứa quá ít năng lượng. Lứa tuổi này nên ăn khoảng 6 bữa trong ngày thay vì chỉ có 3 bữa ăn chính. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thu được chất dinh dưỡng nhanh chóng và đầy đủ hơn. Lượng dưỡng chất này đảm bảo cho hormon tăng trưởng được bài tiết tốt hơn, kích thích cơ thể phát triển nhanh và đạt được một chiều cao lý tưởng. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đưa vào khẩu phần ăn những chất dinh dưỡng có liên quan mật thiết đến việc giúp tăng trưởng chiều cao như: protein (đạm), vitamin A, vitamin D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt, mangan và phốt-pho để hỗ trợ cho sự tăng trưởng.

Một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất luôn là khuyến cáo đầu tiên của các chuyên gia về dinh dưỡng. Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến nhiều rắc rối về tiêu hóa như đau dạ dày, khó tiêu, đầy hơi... và làm gia tăng lượng axít tích tụ trong dạ dày, khiến dạ dày dễ bị tổn thương. Một bữa sáng lành mạnh sẽ góp phần hỗ trợ sự trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng nhiều và hiệu quả hơn. Điều này sẽ tác động lớn đến khả năng tăng trưởng về chiều cao cho trẻ.

Các lưu ý khác

Ngoài ra, để phát triển chiều cao một cách tích cực nhất, các em cần lưu ý: Tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ. Mỗi ngày nên dành 30 phút đến 1 tiếng để luyện tập. Các bài tập phát triển chiều cao dành cho tuổi thiếu niên giúp kéo giãn các chi và mô tế bào trong cơ thể. Những hoạt động thể thao như bóng rổ, bơi lội, quần vợt và bóng đá, cầu lông... sẽ giúp ích rất nhiều cho mục tiêu cải thiện chiều cao. Thói quen ngủ, nghỉ ngơi khoa học giúp ích rất nhiều cho sự phát triển thể chất của trẻ, bởi khi ngủ, cơ thể sẽ tái tạo và phục hồi các tế bào. Ngủ đủ 8 giờ vào ban đêm, nên đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ tốt cho cơ thể rất nhiều. Ngủ đủ, ngủ sâu cũng làm hormon tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn.

BS. LÊ ANH

Lòng nhân ái

Cuộc sống thật có ý nghĩa khi có sự “hài hòa” giữa những điều cho đi và những điều nhận lại. Sự oán trách, ghen tuông…chỉ đem lại những điều bất lợi cho sức khỏe!

Jerome Kagan-Giáo sư Đại học Harvard- Chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết não bộ con người đã có “lập trình” để làm những điều tốt hay nói cách khác là con người luôn có bản tính tốt đẹp, tử tế và nhân ái… Con người cũng như động vật đều có một “bản năng nhân ái” từ trong xương tủy!

long nhan ai, Long nhan ai la lieu thuoc nhiem mau cho nao bo

Theo Charles Darwin thì bộ não con người cũng được “cài đặt, lập trình điều này” như đó là sự tồn tại của loài. Hơn nữa điều này cho phép con người có nhiều lựa chọn để tồn tại, để sống sót (tạo điều kiện hỗ trợ nhau, đảm bảo sự tồn tại) hơn là sống một mình! Lòng nhân ái là một xu hướng hoàn toàn tự nhiên vì tự thân nó đã quan trọng đối với sự sinh tồn của con người.

Khi đề cập đến vấn đề tâm lý học thì những điều oán giận, ganh tỵ, căng thẳng…đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như thể xác. Một trong những lý do mà lòng nhân ái giúp chúng ta tránh được các stress là cảm giác hài lòng, phản ứng căng thẳng của não sẽ giảm đáng kể khi chúng ta gặp được những thái độ tử tế. Đôi lúc trong cuộc sống do những tính cách “cực đoan”, dần dần chúng ta hiểu rằng như vậy là không tốt vì đã đi quá xa bản chất, gốc rễ vốn có trong mỗi con người.

Bộ não con người cũng nhận biết rất rõ những khuynh hướng, những tác động tiêu cực đã ngăn cản sự kết nối với mọi người, đôi khi dẫn đến sự cô đơn và tuyệt vọng. Trong cuộc sống nếu mỗi người đối xử với nhau với niềm thương yêu, tử tế…thì điều này có ảnh hưởng “tích cực” đến cân bằng nội tâm, mang lại cảm giác bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn. Sự tử tế giúp chuyển hóa tâm trạng từ tiêu cực sang trạng thái tích cực.

Một người có tấm lòng nhân ái, tử tế thường trực quan, nhạy cảm và ý thức với những điều xung quanh hơn. Khi chúng ta thấy ai đó tham gia vào một hành động nhân đạo hoặc giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ được truyền cảm hứng và có cảm giác ấm áp và hứng khởi. Trong cuộc sống gia đình, điều này như là tấm gương cho trẻ noi theo, một mẫu hình cho bạn bè, người thân. Một việc làm nhỏ nhưng có “ảnh hưởng” lớn nếu mọi người cùng nhau thắp sáng ngọn lửa của lòng tử tế, của nhân ái. Sự tử tế của mỗi người sẽ góp phần làm cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

BS. Ái Thủy

(theo Amelioreta Sante)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Hội trại mơ ước

Hội trại mơ ước được tổ chức tại trường tiểu học Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ở đây các em cùng nhau tham gia các trò chơi vận động, trò chơi dân gian gắn liền với các bài học kỹ năng sống với chủ đề “Ứng phó với bắt nạt học đường”. Chương trình nhằm trang bị những kỹ năng sống cần thiết, tạo cho các em một sân chơi hòa nhập cộng đồng .

hoi_trai_uoc_mo_01

Các em nhỏ cùng nhau trang trí trong "Hội trại mơ ước " tại trường tiểu học Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội

Chương trình “Hội trại mơ ước ” đã trao 100 suất hỗ trợ học phí cho các em trên địa bàn nhằm giúp các em thực hiện ước mơ được tới trường. Đây là chương trình thường niên của CLB Mặt trời của bé được thành lập từ năm 2008.

30 triệu đồng hỗ trợ học phí và các phần quà của các nhà hảo tâm đã được trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc sống trong ngày diễn ra hội trại

Một số hình ảnh PV Báo SK&ĐSghi lại tại "Hội trại mơ "

Các em nhỏ tham gia trò chơi dân gian.

Và sau mỗi trò chơi, ai thắng cuộc đều được nhận những phần quà.

Trò chơi: Thỏ nhảy qua được bức tường, bức tường cản được mũi tên, mũi tên bắn được thỏ. Đây là trò chơi mà Ban tổ chức muốn mang thông điệp đến với các em hãy tự tin trong cuộc sống.

Hay câu chuyện của các anh chị đến từ CLB Mặt trời của bé với chủ đề: "Ứng phó với bắt nạt học đường" . Vói mong muốn các em xem, hiểu và đưa ra những tình huống, suy nghĩ khi ở trong hoàn cảnh của câu chuyện.

Cùng nhau đưa ra những suy nghĩ sau khi xem tiết mục biểu diễn và vẽ lên những suy nghĩ, những giải pháp khắc phục.

Những người làm chương trình nhằm đem đến một sân chơi hòa nhập cộng đồng và cung cấp kỹ năng sống cho trẻ, đồng thời mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Tuấn Anh

Trẻ nói ngọng, khi nào cần điều trị?

Nói ngọng là rối loạn phát âm lời hay trẻ nói không rõ từ, thường xảy ra ở hầu hết trẻ, nhất là trong giai đoạn lúc bắt đầu tập nói. Theo thời gian tăng trưởng, các cấu trúc phát âm như hàm, môi, lưỡi, răng, lưỡi gà... phát triển thì lời nói của trẻ sẽ rõ hơn; các âm nói rõ hơn cũng tùy theo các giai đoạn phát triển của trẻ, ví dụ âm m, b trẻ phát âm đúng từ khi còn nhỏ, còn âm r, s, tr sẽ nói rõ khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, có một số trẻ sẽ không tự khỏi và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ trong quá trình giao tiếp, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. Một số trẻ ngậm núm vú giả nhiều, lâu, lưỡi sẽ có xu hướng thè ra ngoài, nên khi phát âm, theo thói quen, lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm bị chệch. Ngoài ra, rối loạn phát âm có thể là hậu quả của rối loạn hành vi. Có trẻ chơi game, xem ti vi quá nhiều, dẫn tới tình trạng học ngôn ngữ không qua nghe - nói mà qua nhìn - nói, khiến cung thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm. Những trẻ này ngoài nói ngọng còn hay cáu giận. Một số trẻ còn bắt chước người trong nhà, ở lớp nói ngọng. Vì thế, nếu trong gia đình hoặc ở lớp có người lớn nói ngọng, trẻ dễ nói theo.

Hướng dẫn trẻ cách đặt vị trí đúng của cơ quan phát âm, cách nhận ra âm nào đúng.

Bên cạnh đó, trẻ bị các bệnh ảnh hưởng đến đường phát âm như bệnh mũi xoang, viêm VA... cũng hay nói ngọng. Các bé thường gặp tình trạng có những chữ đáng lẽ ra miệng phải kín nhưng trẻ khó thở nên há mồm, dẫn tới phát âm sai.

Những tổn thương thực thể như dị dạng đường phát âm, ngắn lưỡi, sứt môi hở hàm ếch, tổn thương miệng... cũng là nguyên nhân gây ngọng. Một số trẻ cũng có thể ngọng do bộ phận thính giác. Khi nghe kém, trẻ không đủ vốn từ để học nói đầy đủ, thành ra ngọng (cũng như trẻ không nghe được thì không nói được, thành câm).

Theo một số tài liệu, nguyên nhân là trẻ có vấn đề khiếm khuyết trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Nhiều trẻ có thể ngọng tới 7-8 tuổi rồi tự hết nhưng việc nói không rõ này có thể ảnh hưởng nhiều đến việc học hành, giao tiếp, sự tự tin của trẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ em 2 tuổi ở thời điểm tập nói, nếu nói ngọng là hoàn toàn bình thường nhưng tới 4 tuổi vẫn chưa sửa được thì phải coi là bất thường, cần tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Tùy từng nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cho phù hợp. Ngoài ra, trẻ nói ngọng sẽ được các bác sĩ kiểm tra các cấu trúc phát âm và các âm trẻ nói sai để hướng dẫn trẻ cách đặt vị trí đúng của cơ quan phát âm, cách nhận ra âm nào đúng âm nào sai, cách sử dụng đúng các quy luật phát âm để trẻ nói rõ ràng và dễ hiểu.

BS. Nguyễn Duy

Xem tivi 15 phút mỗi ngày làm giảm khả năng sáng tạo ở trẻ

Sarah Rose, giảng viên tại ĐH Staffordshire, Anh cho biết: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy trẻ trở nên ít có những ý tưởng sáng tạo độc đáo hơn ngay sau khi xem TV. Những ảnh hưởng này xuất hiện sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu trẻ ít sáng tạo trong khi chơi thì dần dần điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ.

Sarah cho biết: “Có niềm tin rằng các chương trình với nhịp độ chậm có tính giáo dục hơn nhưng kết quả của chúng tôi không ủng hộ điều đó”.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng trực tiếp từ TV lên tính sáng tạo của trẻ 3 tuổi. Họ so sánh những trẻ xem TV – phim Huyền thoại đưa thư với những trẻ đọc sách hoặc chơi xếp hình. Trẻ được kiểm tra khả năng đưa ra những ý tưởng sáng tạo tối đa.

Đây là nghiên cứu hữu ích cho những người sản xuất các chương trình truyền hình cho trẻ em, các nhà giáo dục cũng như phụ huynh.

Những phát hiện này được trình bày tại Hội nghị Phát triển Tâm lý Anh ở Belfast. Xem TV cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe trẻ em. Những trẻ 6 tuổi dành phần lớn thời gian để xem TV có thể bị hẹp động mạch ở mắt, tăng nguy cơ bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường sau này.

Các nhà nghiên cứu ĐH Sydney cho biết nghiên cứu này đã theo dõi 1.500 trẻ từ 6-7 tuổi ở 34 trường tiểu học, chỉ ra rằng nguy cơ sức khỏe gia tăng với mỗi giờ xem TV là tương đương với nguy cơ liên quan đến tăng huyết áp.

Theo báo cáo trên tờ Arteriosclerosis, Thrombosis and Vascular Biology , tạp chỉ của Hội Tim Mỹ, trẻ tích cực hoạt động thể chất có động mạch võng mạc trung bình lớn hơn so với trẻ ít hoạt động hơn.

BS Nhật Nguyệt

(Theo THS)

Dấu hiệu mắc hội chứng Tourette

Mặc dù hội chứng này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được các triệu chứng để giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo hội chứng Tourette:

- Cử động các cơ lặp lại không kiểm soát được ở một số bộ phận của cơ thể như máy giật môi, chớp mắt không ngừng, nhún vai….

- Khó thực hiện những cử động toàn thân như đi bộ chạy, ngồi thẳng.

hoi-chung-Tourette

- Lặp đi lặp lại những lời lẽ gây khó chịu ở nơi công cộng, không thể ngừng lại ngay cả khi được yêu cầu. Ngoài ra còn có biểu hiện lặp lại những từ vô nghĩa.

- Hành vi gây hấn và tức giận bộc phát đôi khi ngay cả người chăm sóc, bố mẹ cũng khó kiểm soát được. La hét, khóc to, ném đồ vật, tự gây hại cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng Tourette.

- Thay đổi tâm trạng liên tục, có thể từ chán nản tột cùng chuyển sang tự nhiên vui mừng không có lý do.

- Lo lắng không giải thích được. Tâm trạng lo lắng này có thể cản trở việc trẻ đến trường và hoà đồng với bạn bè, dẫn tới bị cô lập xã hội.

- Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và hội chứng tăng động giảm tập trung có thể cũng xuất hiện ở trẻ bị hội chứng Tourette.

BS Cẩm Tú/Univadis

(theo Boldsky)

Đuối nước trên cạn, hung thần rình rập con bạn trong bể bơi

Thông thường, khi đi bơi về, các bé sẽ rất mệt, việc các bé kêu buồn ngủ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, ba mẹ hãy hết sức lưu ý giấc n...