Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Hội trại mơ ước

Hội trại mơ ước được tổ chức tại trường tiểu học Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ở đây các em cùng nhau tham gia các trò chơi vận động, trò chơi dân gian gắn liền với các bài học kỹ năng sống với chủ đề “Ứng phó với bắt nạt học đường”. Chương trình nhằm trang bị những kỹ năng sống cần thiết, tạo cho các em một sân chơi hòa nhập cộng đồng .

hoi_trai_uoc_mo_01

Các em nhỏ cùng nhau trang trí trong "Hội trại mơ ước " tại trường tiểu học Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội

Chương trình “Hội trại mơ ước ” đã trao 100 suất hỗ trợ học phí cho các em trên địa bàn nhằm giúp các em thực hiện ước mơ được tới trường. Đây là chương trình thường niên của CLB Mặt trời của bé được thành lập từ năm 2008.

30 triệu đồng hỗ trợ học phí và các phần quà của các nhà hảo tâm đã được trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc sống trong ngày diễn ra hội trại

Một số hình ảnh PV Báo SK&ĐSghi lại tại "Hội trại mơ "

Các em nhỏ tham gia trò chơi dân gian.

Và sau mỗi trò chơi, ai thắng cuộc đều được nhận những phần quà.

Trò chơi: Thỏ nhảy qua được bức tường, bức tường cản được mũi tên, mũi tên bắn được thỏ. Đây là trò chơi mà Ban tổ chức muốn mang thông điệp đến với các em hãy tự tin trong cuộc sống.

Hay câu chuyện của các anh chị đến từ CLB Mặt trời của bé với chủ đề: "Ứng phó với bắt nạt học đường" . Vói mong muốn các em xem, hiểu và đưa ra những tình huống, suy nghĩ khi ở trong hoàn cảnh của câu chuyện.

Cùng nhau đưa ra những suy nghĩ sau khi xem tiết mục biểu diễn và vẽ lên những suy nghĩ, những giải pháp khắc phục.

Những người làm chương trình nhằm đem đến một sân chơi hòa nhập cộng đồng và cung cấp kỹ năng sống cho trẻ, đồng thời mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Tuấn Anh

Trẻ nói ngọng, khi nào cần điều trị?

Nói ngọng là rối loạn phát âm lời hay trẻ nói không rõ từ, thường xảy ra ở hầu hết trẻ, nhất là trong giai đoạn lúc bắt đầu tập nói. Theo thời gian tăng trưởng, các cấu trúc phát âm như hàm, môi, lưỡi, răng, lưỡi gà... phát triển thì lời nói của trẻ sẽ rõ hơn; các âm nói rõ hơn cũng tùy theo các giai đoạn phát triển của trẻ, ví dụ âm m, b trẻ phát âm đúng từ khi còn nhỏ, còn âm r, s, tr sẽ nói rõ khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, có một số trẻ sẽ không tự khỏi và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ trong quá trình giao tiếp, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. Một số trẻ ngậm núm vú giả nhiều, lâu, lưỡi sẽ có xu hướng thè ra ngoài, nên khi phát âm, theo thói quen, lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm bị chệch. Ngoài ra, rối loạn phát âm có thể là hậu quả của rối loạn hành vi. Có trẻ chơi game, xem ti vi quá nhiều, dẫn tới tình trạng học ngôn ngữ không qua nghe - nói mà qua nhìn - nói, khiến cung thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm. Những trẻ này ngoài nói ngọng còn hay cáu giận. Một số trẻ còn bắt chước người trong nhà, ở lớp nói ngọng. Vì thế, nếu trong gia đình hoặc ở lớp có người lớn nói ngọng, trẻ dễ nói theo.

Hướng dẫn trẻ cách đặt vị trí đúng của cơ quan phát âm, cách nhận ra âm nào đúng.

Bên cạnh đó, trẻ bị các bệnh ảnh hưởng đến đường phát âm như bệnh mũi xoang, viêm VA... cũng hay nói ngọng. Các bé thường gặp tình trạng có những chữ đáng lẽ ra miệng phải kín nhưng trẻ khó thở nên há mồm, dẫn tới phát âm sai.

Những tổn thương thực thể như dị dạng đường phát âm, ngắn lưỡi, sứt môi hở hàm ếch, tổn thương miệng... cũng là nguyên nhân gây ngọng. Một số trẻ cũng có thể ngọng do bộ phận thính giác. Khi nghe kém, trẻ không đủ vốn từ để học nói đầy đủ, thành ra ngọng (cũng như trẻ không nghe được thì không nói được, thành câm).

Theo một số tài liệu, nguyên nhân là trẻ có vấn đề khiếm khuyết trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Nhiều trẻ có thể ngọng tới 7-8 tuổi rồi tự hết nhưng việc nói không rõ này có thể ảnh hưởng nhiều đến việc học hành, giao tiếp, sự tự tin của trẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ em 2 tuổi ở thời điểm tập nói, nếu nói ngọng là hoàn toàn bình thường nhưng tới 4 tuổi vẫn chưa sửa được thì phải coi là bất thường, cần tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Tùy từng nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cho phù hợp. Ngoài ra, trẻ nói ngọng sẽ được các bác sĩ kiểm tra các cấu trúc phát âm và các âm trẻ nói sai để hướng dẫn trẻ cách đặt vị trí đúng của cơ quan phát âm, cách nhận ra âm nào đúng âm nào sai, cách sử dụng đúng các quy luật phát âm để trẻ nói rõ ràng và dễ hiểu.

BS. Nguyễn Duy

Xem tivi 15 phút mỗi ngày làm giảm khả năng sáng tạo ở trẻ

Sarah Rose, giảng viên tại ĐH Staffordshire, Anh cho biết: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy trẻ trở nên ít có những ý tưởng sáng tạo độc đáo hơn ngay sau khi xem TV. Những ảnh hưởng này xuất hiện sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu trẻ ít sáng tạo trong khi chơi thì dần dần điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ.

Sarah cho biết: “Có niềm tin rằng các chương trình với nhịp độ chậm có tính giáo dục hơn nhưng kết quả của chúng tôi không ủng hộ điều đó”.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng trực tiếp từ TV lên tính sáng tạo của trẻ 3 tuổi. Họ so sánh những trẻ xem TV – phim Huyền thoại đưa thư với những trẻ đọc sách hoặc chơi xếp hình. Trẻ được kiểm tra khả năng đưa ra những ý tưởng sáng tạo tối đa.

Đây là nghiên cứu hữu ích cho những người sản xuất các chương trình truyền hình cho trẻ em, các nhà giáo dục cũng như phụ huynh.

Những phát hiện này được trình bày tại Hội nghị Phát triển Tâm lý Anh ở Belfast. Xem TV cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe trẻ em. Những trẻ 6 tuổi dành phần lớn thời gian để xem TV có thể bị hẹp động mạch ở mắt, tăng nguy cơ bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường sau này.

Các nhà nghiên cứu ĐH Sydney cho biết nghiên cứu này đã theo dõi 1.500 trẻ từ 6-7 tuổi ở 34 trường tiểu học, chỉ ra rằng nguy cơ sức khỏe gia tăng với mỗi giờ xem TV là tương đương với nguy cơ liên quan đến tăng huyết áp.

Theo báo cáo trên tờ Arteriosclerosis, Thrombosis and Vascular Biology , tạp chỉ của Hội Tim Mỹ, trẻ tích cực hoạt động thể chất có động mạch võng mạc trung bình lớn hơn so với trẻ ít hoạt động hơn.

BS Nhật Nguyệt

(Theo THS)

Dấu hiệu mắc hội chứng Tourette

Mặc dù hội chứng này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được các triệu chứng để giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo hội chứng Tourette:

- Cử động các cơ lặp lại không kiểm soát được ở một số bộ phận của cơ thể như máy giật môi, chớp mắt không ngừng, nhún vai….

- Khó thực hiện những cử động toàn thân như đi bộ chạy, ngồi thẳng.

hoi-chung-Tourette

- Lặp đi lặp lại những lời lẽ gây khó chịu ở nơi công cộng, không thể ngừng lại ngay cả khi được yêu cầu. Ngoài ra còn có biểu hiện lặp lại những từ vô nghĩa.

- Hành vi gây hấn và tức giận bộc phát đôi khi ngay cả người chăm sóc, bố mẹ cũng khó kiểm soát được. La hét, khóc to, ném đồ vật, tự gây hại cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng Tourette.

- Thay đổi tâm trạng liên tục, có thể từ chán nản tột cùng chuyển sang tự nhiên vui mừng không có lý do.

- Lo lắng không giải thích được. Tâm trạng lo lắng này có thể cản trở việc trẻ đến trường và hoà đồng với bạn bè, dẫn tới bị cô lập xã hội.

- Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và hội chứng tăng động giảm tập trung có thể cũng xuất hiện ở trẻ bị hội chứng Tourette.

BS Cẩm Tú/Univadis

(theo Boldsky)

Nghệ thuật giúp bé trở thành người lịch thiệp trong tương lai

Không dễ khi tất cả chúng ta đều đang có cái gì đó làm phiền người xung quanh. Không dễ khi chúng ta luôn sống dựa vào mọi người, cộng đồng. Không dễ khi chính chúng ta còn chưa ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, vài lời khuyên sau đây về "tấm gương" của cha mẹ sẽ giúp các em trở thành những người lịch thiệp và chuẩn mực trong tương lai.

Các bạn có thể tham khảo mấy nguyên tắc như sau:

1. Gương mẫu

Trong nhiều trường hợp, các cha mẹ nên lưu ý những hành vi có thể gây ảnh hưởng hoặc làm phiền người khác như nói quá to trong một tập thể, quán ăn, trong đám đông…., vứt rác lung tung, chen lấn xô đẩy, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… Khi chúng ta ngưng làm những hành vi trên, trẻ nhỏ sẽ nhận ra rằng những người mà chúng yêu thương và kính trọng nhất là cha mẹ sẽ không bao giờ làm những việc xấu, gây ảnh hưởng đến người khác. Và chính các em cũng sẽ thay đổi thái độ ngay để phù hợp với gương “người tốt, việc tốt” mà các em học tập hàng ngày.

day-con-van-hoa-khong-lam-phien-nguoi-khac

Dạy các bé biết "không vượt đèn đỏ" là hành vi văn minh, giúp không "làm phiền" những người điều khiển phương tiện giao thông khác đang đi trên đường (Khẩu hiệu trên băng rôn: "Vượt đèn đỏ là con đường nhanh nhất đến tử thần")

2. Quan sát

Giúp con quan sát những hành vi đó ngoài phố. Khi con quan sát, cha mẹ nên phân tích cho con thấy, những hành vi đó sẽ làm phiền những người xung quanh thế nào và họ sẽ cảm thấy bực bội đến mức nào. Đây cũng chính là nguyên nhân gây xung đột, vì thế, việc giảm thiểu các hành vi đó sẽ giúp giảm thiểu các xung đột dẫn đến những vụ xô xát không đáng có. Khi con đã có những kết luận riêng của mình, con sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi cho khỏi làm phiền đến người khác.

3. Nhắc nhở con

Luôn nhắc nhở con khi con đang ở nhà. Khi con mè nheo cái gì đó, nếu cha mẹ đang bận, cha mẹ có thể nói với con một câu nói nhỏ: “Theo cha/mẹ, con đang làm phiền đến cha/mẹ đấy”. Lời nhắc đó diễn ra thường xuyên thì các bé cũng sẽ hiểu được thông điệp "không làm phiền người khác" và sẽ điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

4. Giúp trẻ tự cách giải quyết mâu thuẫn

Khi trẻ em có mâu thuẫn, cha mẹ nên tự để trẻ giải quyết mâu thuẫn của mình, tuyệt đối không can thiệp. Sau đó một thời gian (độ 1 tuần), nghĩa là khi mâu thuẫn đó đã giải quyết xong từ lâu lắm rồi, cha mẹ sẽ phân tích rõ ràng xem ai làm phiền ai và làm phiền thế nào. Lúc đó các em sẽ nhận thức rõ mình đã làm hành vi gì và tại sao người kia lại tức giận. Cách thức đó giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn lần sau tốt hơn.

5. Lời xin lỗi

Xin lỗi con. Các cha mẹ nên tự lập cho mình thói quen xin lỗi bất kể ai, bất kể lúc nào khi làm phiền ai đó như đi ngang qua họ, buộc phải làm phiền…. Con sẽ nhìn theo và học hỏi cha mẹ rất nhanh. Dĩ nhiên, con cũng không ngoại lệ. Cha mẹ nên lập thói quen xin lỗi con nhiều hơn. Đơn giản là:

- Mẹ xin lỗi, mẹ có thể đi qua trước mặt con được không? (Thay vì, “tránh ra cho mẹ đi nào”)- Bố xin lỗi, bố có thể xem sách vở con được không? (Thay vì quát “Đưa vở ở lớp ra đây!”)

6. Dạy con xin lỗi

Cha mẹ có thể nói với con: Khi con va vào ai đó hoặc buộc phải bước qua trước mặt ai để đi, hoặc… buộc phải làm gì đó ảnh hưởng đến người ta thì con cần có câu xin lỗi. Xin lỗi đó vừa lịch sự vừa đảm bảo mình có thể “làm phiền” trong trường hợp bất khả kháng. Như vậy, việc hình thành thói quen xin lỗi cũng sẽ diễn ra tự nhiên hơn.

Dạy con "Không làm phiền người khác" là tạo lập cho con thói quen cư xử văn hóa và lịch sự. Điều này thật sự hữu ích cho trẻ trong hiện tại và tương lai.

TS. Vũ Thu Hương

Top 10 thực phẩm tăng cường phát triển trí não cho bé yêu

Đứa trẻ, con của bạn đang lớn lên là một đứa trẻ nghịch ngợm, thích học hỏi và khám phá những điều mới với mỗi ngày trôi qua. Ở giai đoạn quan trọng phát triển này, chế độ ăn uống của con bạn sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng trí thông minh của chúng, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn cho con bạn ăn những thức ăn là tốt nhất mà các bé cần. Dưới đây là 10 loại thức ăn phát triển trí não trẻ tốt nhất.

1. Rau xanh

Rau lá xanh như cải bó xôi, cải xoăn rất giàu folate và vitamin, trong đó có liên quan đến sự phát triển của não. Nếu con bạn ghét những thứ rau này, phải tìm cách để lẻn cho rau vào những bữa ăn của con bạn, thêm rau vào trứng tráng và cuộn với cà chua chẳng hạn.

2. Sữa chua

Sữa chua là một nguồn tuyệt vời của vitamin B và protein, cải thiện chức năng và tăng trưởng của các mô não. Chúng cũng chứa vi khuẩn probiotic để cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Một cốc sữa chua, trộn với một số loại quả mọng tươi làm thành một ly sinh tố nhanh và ngon.

3. Trứng

Trứng là một nguồn giàu protein, và cũng chứa một lượng tốt của choline, một chất dinh dưỡng cần thiết cho các chức năng phù hợp và phát triển của não bộ. Thêm chúng vào bánh mì và xà lách để cho trẻ ăn.

tri nao, top 10 thuc pham tang cuong phat trien tri nao cho be yeu

4. Cá

Cá cũng được coi là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển não bộ ở trẻ em. Cá hồi, cá mòi và cá ngừ là nguồn giàu vitamin D và acid béo omega 3. Cả hai chất dinh dưỡng này có trách nhiệm bảo vệ não chống lại mất trí nhớ và suy giảm trí nhớ do tuổi tác. Acid béo omega 3 cũng cung cấp khả năng miễn dịch của con bạn ngày một tăng, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn cho con bạn ít nhất 2-3 phần cá này mỗi tuần.

5. Đậu

Đậu được cho là tuyệt vời cho những người bị ảnh hưởng bởi bệnh hen suyễn, và phục vụ như là một nguồn protein tốt cho người ăn chay. Tiêu thụ đậu được cho là tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa các rối loạn liên quan lối sống.

6. Các loại quả mọng

Quả mọng có các chất chống oxy hóa có giá trị giúp ngăn chặn thiệt hại gốc tự do đối với não và giữ cho bộ nhớ của con bạn trong trạng thái tốt nhất. Chúng cũng cung cấp cho cơ thể một liều thuốc tốt của Vitamin C, cải thiện chức năng miễn dịch.

7. Các loại hạt

Quả óc chó và hạt lanh là những hạt có đầy đủ protein và acid béo thiết yếu giúp thúc đẩy tốt cho tâm trạng và giữ cho hệ thống thần kinh của đứa trẻ của bạn khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn.

8. Bột yến mạch

Bột yến mạch giàu chất xơ. Trong thực tế, các nghiên cứu cũng đã xác nhận tiêu thụ bột yến mạch giúp thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến bộ nhớ..

9. Táo

Táo có chứa chất chống oxy hóa quan trọng là chống suy giảm nhận thức, nhưng cố gắng mua các loại hữu cơ để tránh xa những nguy cơ của thuốc trừ sâu và hóa chất phụ gia ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn.

10. Nghệ

Nghệ là một trong những loại thực phẩm thúc đẩy bộ nhớ tốt nhất mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống của con bạn.

Như bạn có thể thấy, những thực phẩm nêu trên khá dễ dàng để tìm kiếm xung quanh chúng ta, và cũng có nhiều cách để đưa những thực phẩm này vào trong các bữa ăn hàng ngày của trẻ giúp phát triển não bộ của trẻ một cách tự nhiên.

Luôn nhớ rằng: Những gì con bạn ăn có ảnh hưởng lớn đến sự thông minh và khả năng nhận thức của chúng!

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Mom Junction)

Lại là... chỗ chơi của trẻ

Mùa hè đến cũng là lúc mà câu chuyện về sự thiếu hụt các sân chơi công cộng cho trẻ em lại nóng lên. Tại nhiều khu đô thị ở Hà Nội, dù đã có quy hoạch khu vui chơi, thậm chí là đã xây dựng các khu vui chơi, song các diện tích này lại đang bị chiếm dụng để phục vụ mục đích khác.

Thay vì ra ngoài vui chơi, nhiều trẻ em tại không ít các khu đô thị, chung cư đang bắt đầu kỳ nghỉ hè trước màn hình tivi, máy tính, trò game, trong khi đó, phần đất được quy hoạch là khu vui chơi của khu chung cư, đô thị này lại đang được sử dụng để phục vụ cho mục đích khác. Đơn cử như tại cụm chung cư CT3, khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội, trong quy hoạch của khu có khu vui chơi giải trí cho người già và trẻ em rất rộng nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ trước năm 2010 đến giờ, khu vui chơi lại bị biến thành nhà hàng (?!). Đây chỉ là một trong rất nhiều khu chung cư kể cả cũ và mới xây dựng đang trong tình trạng bị chiếm dụng khu vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em để phục vụ mục đích kinh doanh.

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong quy hoạch phát triển đô thị từ trước tới nay, diện tích dành cho khu vui chơi công cộng là một tiêu chí bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả các chủ đầu tư. Thế nhưng thực tế, chỉ cần dạo quanh một vòng các khu đô thị tại Hà Nội, không khó để chứng kiến cảnh các khu vui chơi, vườn hoa bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe hoặc các điểm bán hàng. Không có khu vui chơi dành cho lứa tuổi của mình, điều dễ hiểu là trẻ em sẽ tìm tới những nơi không đảm bảo an toàn hay những thú vui thiếu lành mạnh khác.

Theo các chuyên gia xây dựng, khi xây dựng các khu chung cư, chúng ta có quy hoạch và thiết kế đầy đủ sân chơi dành cho trẻ em và sinh hoạt cộng đồng, nhưng tại sao khi xây dựng xong và đi vào hoạt động thì các khu đất làm sân chơi lại không còn là điểm vui chơi nữa? Nó được chuyển đổi sang mục đích khác? Ở đây cần phải xem lại trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương. Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng thừa nhận sự quan ngại về tình trạng thiếu hụt sân chơi hiện tại vì theo qui hoạch, diện tích cây xanh tối thiểu tại Hà Nội là 1m2/người. Song thực tế, con số này chỉ đạt 1/25 so với tiêu chuẩn.

Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta đã đặt ra tiêu chuẩn ở mức tối thiểu so với các quốc gia trong khu vực, thế nhưng thực tế là các công trình về sân chơi công cộng cho trẻ con cũng như người già đang rất thiếu, ví dụ có những khu dân cư 17.000 người nhưng chỉ có một sân chơi khoảng 30m2 cho các cháu thì đấy là một sự báo động rất lớn cho Hà Nội chúng ta về vấn đề sân chơi cho trẻ con. Thậm chí có nơi sân chơi cũng bị chiếm dụng làm việc khác.

Ở thời điểm hiện tại, để xây dựng một công viên mới, một khu vui chơi dành cho toàn thành phố sẽ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn từ ngân sách. Chính vì vậy, với cơ sở là các khu vui chơi sẵn có nằm trong các khu đô thị, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định là cần phải có sự chấn chỉnh ngay từ bây giờ, chấm dứt tình trạng chiếm dụng sân chơi tại các khu đô thị để trả lại cho trẻ em những điểm vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Ở đây đòi hỏi ý thức và sự vào cuộc quyết liệt của chính người dân, chính quyền địa phương, có như thế mới trả lại chỗ vui chơi cho các em, cho cộng đồng, từ đó giảm thiểu những tai nạn, rủi ro đáng tiếc đối với trẻ em khi các em vì thiếu sân chơi tìm đến những nơi nguy hiểm, không có sự quản lý của người lớn để chơi trong những ngày hè.

Huyền Minh

Rối loạn tự kỷ ở trẻ

(Tiếp theo số 43)

Phân loại mức độ nặng

Theo mức độ nặng, Hội Tâm thần học Mỹ năm 2013 chia tự kỷ thành 3 mức.

Mức độ 1

Về mặt giao tiếp xã hội: Nếu không có sự trợ giúp tại chỗ, các suy giảm về giao tiếp xã hội gây ra những thiếu hụt dễ nhận thấy. Khó khăn trong việc bắt đầu các tương tác xã hội và có những ví dụ rõ ràng về sự đáp ứng không điển hình hoặc không thành công với các đề nghị xã hội của những người khác. Có thể xuất hiện thu hẹp quan tâm tới các tương tác xã hội.

Hành vi định hình: Hành vi cứng nhắc gây cản trở một số chức năng. Khó chuyển đổi giữa các hoạt động. Gặp khó khăn khi tự mình tổ chức và lập kế hoạch.

Đây là mức độ cần có sự trợ giúp.

Cấu trúc mô thần kinh ở não bị phá vỡ ở ca tự kỷ điển hình.

Mức độ 2

Giao tiếp xã hội: Trẻ thiếu hụt đáng kể các kỹ năng giao tiếp xã hội ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Giao tiếp xã hội vẫn hạn chế ngay cả khi có sự giúp đỡ tại chỗ. Giảm hoặc đáp ứng một cách bất thường với những đề nghị từ người khác.

Tính cứng nhắc hành vi, khó khăn trong ứng phó với thay đổi, hoặc những hành vi lặp lại/định hình thường xuất hiện đủ rõ, người khác dễ dàng nhận ra và gây cản trở hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Ở mức độ này, trẻ cần có sự hỗ trợ đáng kể.

Mức độ 3

Trẻ thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng giao tiếp xã hội ngôn ngữ và phi ngôn ngữ dẫn đến hầu như không thể thực hiện được các chức năng.

Rất ít khi khởi đầu các tương tác xã hội và đáp ứng tối thiểu với những đề nghị mang tính xã hội từ người khác.

Hành vi cứng nhắc, rất khó thích ứng với những thay đổi, những hành vi lặp lại hoặc định hình khác gây cản trở rõ rệt các hoạt động trong mọi lĩnh vực.

Mức độ này cần sự hỗ trợ rất đáng kể.

Phân biệt tự kỷ với các bệnh khác

Chậm nói đơn thuần: Trẻ chậm nói do thiếu kích thích môi trường, trẻ vẫn có cử chỉ giao tiếp phù hợp lứa tuổi, có giao tiếp bằng mắt, gọi trẻ có đáp ứng, không phát âm vô nghĩa, vẫn chơi đa dạng, không thờ ơ với mọi người xung quanh. Nếu tích cực dạy trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ.

Câm điếc: Trẻ không nói nhưng vẫn có cử chỉ điệu bộ giao tiếp thay cho lời nói, có giao tiếp mắt, có biểu lộ tình cảm và có quan tâm tới mọi người xung quanh.

Chậm phát triển trí tuệ: Trẻ chậm khôn, nhận thức chậm nhưng vẫn có ngôn ngữ giao tiếp tương đương với mức độ phát triển trí tuệ. Trẻ có tình cảm yêu ghét thông thường, có giao tiếp mắt, có cử chỉ giao tiếp, không cuốn hút quá mức vào một kiểu thích thú quan tâm đặc biệt.

Rối loạn sự gắn bó: Trẻ có biểu hiện thu mình, thờ ơ, sợ hãi nhưng không có những hành vi định hình, không phát âm vô nghĩa, không cuốn hút vào một hoạt động nào đặc biệt. Trẻ vẫn có giao tiếp bằng lời và không lời, cách chơi đa dạng.

Rối loạn tăng động giảm chú ý: Trẻ luôn hoạt động, hay lơ đãng, giảm sự chú ý, vẫn biết chơi giả vờ, chơi tưởng tượng, không có hành vi rập khuôn định hình.

Điều trị như thế nào?

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên cũng có thể dùng thuốc để điều trị một số rối loạn tâm thần kèm theo như: trầm cảm, lo âu, cơn co giật hoặc các vấn đề về hành vi.

Can thiệp tâm lý - giáo dục bắt đầu càng sớm càng tốt, nhất là khi trẻ ở lứa tuổi từ 2-4 tuổi. Chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ bao gồm tác động tới trẻ và tư vấn cho gia đình để dạy trẻ. Đối với trẻ cần tác động qua những phương pháp như: điều hòa đa giác quan, dạy các kỹ năng vận động tinh và vận động thô, kỹ năng giao tiếp bằng lời và không lời, chơi trị liệu, dạy kỹ năng tự lập trong sinh hoạt. Sử dụng liệu pháp hành vi (củng cố tích cực đối với hành vi tốt, chia nhỏ nhiệm vụ và lờ đi khi trẻ có hành vi không mong muốn) xuyên suốt trong quá trình dạy trẻ.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103)

Xin đừng nhân danh tình yêu…để làm tổn thương con trẻ

Chia sẻ trên facebook cá nhân, TS Vũ Thu Hương cho biết:

Các cha mẹ thường tự cho mình cái quyền được biết mọi bí mật của con. Các cha mẹ nhân danh tình yêu và sự quan tâm để đọc trộm nhật kí của con hòng mong mỏi sẽ giúp con tránh khỏi mọi sự hiểm nguy trên đời.

Tuy nhiên, điều này thật sự là mất nhiều hơn được. Nếu các cha mẹ ngay từ đầu nhận thức là mình tuyệt đối không được đọc nhật kí của con, chắc chắn các quý vị sẽ tìm ra cách đối thoại với con hiệu quả nhất để thu lượm được mọi thông tin cần thiết của con. Chẳng hạn, các cha mẹ sẽ kéo con đi tâm sự hàng giờ để “bọn chúng” hiểu, thông cảm và “hạ cố” cho bố mẹ biết thông tin của mình. Hoặc giả như các cha mẹ tìm cách viết thư bộc bạch nỗi lòng với con để con tin tưởng mà bày tỏ mọi thứ.

Nhưng các cha mẹ thường “quên” những việc này hoặc nghĩ là không thể nào biết hết được. Vì thế, nhân danh tình yêu, các cha mẹ đọc nhật kí của con.

Người khéo léo thì can thiệp nhẹ nhàng, trước khi can thiệp họ cũng phải tìm cách lựa sao cho con tự nói ra khó khăn hoặc giải thích lý do hợp lý nhất vì sao mình biết tin đó để con tin là cha mẹ vô tình biết chứ không phải vì đọc nhật kí của con. Những đứa trẻ nhạy cảm một chút, tinh ý một chút là đoán ra ngay. Chiêu trò này chỉ lừa được các bé vô tư lự thôi. Còn cha mẹ nào không che dấu được thì ngay lập tức sau đó con sẽ biết rằng mình bị bố mẹ đọc trộm nhật kí.

Khi con nhận ra nhật kí của mình bị cha mẹ “khám phá” chắc chắn các con sẽ cảm thấy bị xúc phạm, bị kiểm soát, bị phơi bày bí mật. Các bé sẽ rất bực cha mẹ, chúng không còn tin tưởng vào cha mẹ nữa. Cảm giác cô đơn và bơ vơ không biết nên tựa vào ai là điều khó tránh khỏi. Sau khi biết mình bị đọc trộm nhật kí, các bé hầu hết sẽ chọn giải pháp không bao giờ ghi nhật kí nữa. Nếu sau này con đặt niềm tin vào 1 người ngoài mà người đó lại không thật sự ổn lắm, chắc chắn con còn nguy hiểm hơn nhiều.

Như vậy, việc nhân danh tình yêu mà đọc trộm nhật kí của con rõ ràng là lợi bất cập hại. Điều đó còn thể hiện rằng cha mẹ không tin tưởng vào con và cũng thực sự bất lực, không biết cách nào để có thể nắm bắt được các vấn đề của con. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng con. Con khi biết được bí mật của mình bị khám phá chắc chắn cũng cảm thấy bị thiếu tôn trọng rất nhiều.

Như vậy, rõ ràng nếu nhân danh tình yêu, các cha mẹ hành xử không đúng, chắc chắn con sẽ tổn thương vô cùng lớn.

Các cha mẹ yêu quý, dù muốn hay không, chắc chắn sẽ đến lúc bọn trẻ rời xa chúng ta. Chúng có mọi thứ riêng, cuộc sống, cảm xúc, suy nghĩ và quan niệm sống khác chúng ta. Chúng sẽ tồn tại thế nào trên đời, đó là câu trả lời mà cả các bậc cha mẹ lẫn các con đều phải lo lắng.

Tuy nhiên, thay vì can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con nhân danh tình yêu, các cha mẹ hãy dồn tình yêu đó cho sự tôn trọng con thật sự. Chỉ có sự tôn trọng và niềm tin của cha mẹ mới giữ cho con không làm những điều tổn hại đến bản thân.

Điều này quả thật không đơn giản đâu nhé. Nhưng với tình yêu con tha thiết, các cha mẹ sẽ nhận ra và điều khiển hành vi của mình. Hãy tôn trọng và tin tưởng con cái của mình.

TS Vũ Thu Hương

10 lý do tuyệt vời nên cho con học khiêu vũ

Khiêu vũ không chỉ là bộ môn yêu thích của người lớn mà ngay cả con trẻ. Thật vậy việc học khiêu vũ đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

1. Giúp trẻ luôn vận động, là một hình thức tập luyện

Khiêu vũ là môn học nghệ thuật nhưng cũng là môn “thể thao” thật sự. Trong khiêu vũ trẻ luôn phải di chuyển, phải vận động và đây cũng là cách giúp trẻ thể hiện chính bản thân mình. Có những lớp học cho những trẻ nhỏ gọi là “điệu nhảy sáng tạo”. Khiêu vũ như là những bài tập aerobic đặc biệt tốt cho trẻ béo phì vì khiêu vũ giúp trẻ lấy lại được thân hình “gọn gàng hơn” còn giúp trẻ duy trì những thói quen tốt trong cuộc sống. Khiêu vũ chính là môn thể thao nghệ thuật giúp tiêu hao bớt năng lượng và điều này tốt cho trẻ nam lẫn nữ.

2. Giúp trẻ tập trung

Thật vậy khiêu vũ đòi hỏi trẻ phải làm việc cả đầu óc lẫn cơ thể. Trẻ phải học từng điệu nhảy và phải theo một trật tự, phải lắng nghe huấn luyện viên và phải sữa chữa những sai sót trong từng điệu nhảy. Người ta thường nói khiêu vũ đem lại “sự vận động thông minh” nhưng không phải chỉ dừng ở đó, khiêu vũ còn giúp trẻ phát triển trí thông minh về không gian, về âm nhạc và cả ngôn ngữ. Ngoài ra còn giúp trẻ tập trung hơn và chăm chỉ để đạt được mục tiêu. Khiêu vũ không chỉ giúp phát triển kỹ năng vận động thô mà còn là một cách tuyệt vời để tìm hiểu sự cân bằng và phối hợp trong từng động tác.

10-ly-do-khien-ban-cho-con-hoc-khieu-vu

3. Trẻ thường có điểm tốt ở trường

Một nghiên cứu gần đây của “The College Board” cho thấy rằng những học sinh có tham gia những buổi học khiêu vũ thường có những thành công nhất định trong học tập, những điểm số về toán học và khoa học tự nhiên cũng cao hơn và kỹ năng về đọc và lý luận cũng được cải thiện đáng kể.

4. Giúp trẻ có tinh thần tập thể

Khiêu vũ giúp trẻ phát triển trí thông minh đồng thời phát triển tinh thần tập thể, trẻ được sinh hoạt với các bạn bè cùng lứa tuổi, ngoài ra giúp trẻ xây dựng tình bạn chân tình và bền lâu.Thông qua những buổi học giúp trẻ phát triển những giao tiếp xã hội, điều quan trọng là khi làm việc nhóm giúp trẻ phát huy tinh thần đồng đội, tính tự giác kỷ luật và xây dựng lòng tự tin.

5. Giúp trẻ hiểu thêm về âm nhạc

Khiêu vũ là cách tuyệt vời nhất giúp trẻ hiểu thêm về âm nhạc. Trong lúc bước đi theo từng điệu nhạc đã giúp trẻ đếm nhịp và hiểu âm nhạc một cách bài bản hơn!

6. Giúp trẻ có được thân hình cân đối khỏe mạnh

Khiêu vũ đòi hỏi phải vận động toàn cơ thể. Thật vậy khiêu vũ giúp trẻ sữa chữa những dị tật như bàn chân bị vẹo vào trong… ngoài ra giúp trẻ khám phá hiểu hơn về chính cơ thể mình. Khiêu vũ giúp cơ thể được mềm mại linh hoạt hơn, giúp trẻ phối hợp nhịp nhàng giữa cân bằng, sức chịu đựng cơ thể và hoạt động của các cơ.

7. Giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng

Trẻ trải qua những lớp học khiêu vũ sẽ tự tin hơn đặc biệt là khả năng, năng lực của bản thân. Khiêu vũ giúp trẻ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa từ đó trẻ thể hiện bản thân, suy nghĩ về cuộc sống một cách tích cực hơn.

8. Giúp trẻ có những trải nghiệm cùng bạn bè

Vào những dịp kết thúc năm học, Trường tổ chức những buổi văn nghệ và như vậy trẻ có dịp để thể hiện những khả năng về khiêu vũ, âm nhạc trên sân khấu. Là dịp để trẻ cùng vui chơi với bạn bè, được tán thưởng với những tràng vỗ tay và hơn thế nữa trẻ cảm nhận được những thành công nho nhỏ sau những ngày luyện tập.

9. Giúp trẻ giảm bớt những căng thẳng

Những hoạt động thể chất giúp trẻ giảm stress và tìm được cảm giác thư thái trong tâm hồn sau những giờ học tập. Khi trẻ hòa mình vào điệu nhạc, lúc đó đầu óc được thoải mái và những mệt mỏi căng thẳng “không cánh mà bay”.

10. Giúp trẻ được trau giồi và cơ hội phát triển

Khiêu vũ cũng là cơ hội vàng giúp trẻ phát triển, dần dần trẻ sẽ có những đam mê, sẽ tìm ra những vũ công tuyệt vời, những điệu nhảy đẹp, những biên đạo múa nổi tiếng…và có thể trẻ tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật.

BS. Ái Thủy

(Theo Maman Pour La Vie)

Làm gì khi trẻ khóc nhiều?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đối với trẻ:

Sau khi kiểm tra mọi thứ rồi, trẻ chẳng đòi hỏi gì khác nữa nhưng vẫn cứ khóc thì bạn hãy:

+ Ôm trẻ vào lòng, trẻ luôn thích cảm giác ấm áp và an toàn như khi bé vẫn ở trong lòng mẹ.

+ Mở nhạc với những bài hát ngọt ngào hay những lời hát ru. m nhạc đôi khi có tác dụng xoa dịu vỗ về trẻ

+ Massage trẻ, xoa nhẹ vào dạ dày, vào lưng của trẻ những động tác này đôi khi khiến bé thoải mái.

+Tắt bớt đèn và giữ bầu không khí yên tĩnh.

+ Bế trẻ và đi đi lại lại trong phòng cũng là cách dỗ dành trẻ, có thể đặt trẻ vào chiếc xe đẩy rồi cả hai cùng đi dạo một vòng.

+ Cho trẻ ngậm vú giả, đôi khi cũng làm cho trẻ thư giãn.

Đối với bố mẹ:

Bé khóc sẽ làm cho cha mẹ căng thẳng và mệt mỏi nhiều lúc cảm giác mình không đủ thời gian và nghị lực để nuôi con. Nếu bạn đã làm thỏa mãn mọi nhu cầu nhưng bé vẫn khóc, lúc này hãy quan tâm chăm sóc chính bản thân mình để tránh tình trạng quá bực tức.

+ Nghe bản nhạc êm dịu

+ Hãy hít hơi thở thật dài và sâu

+ Hãy đi tắm

+ Đôi khi bạn có thể khóc một lát

+ Đừng ngần ngại để gọi sự hỗ trợ của gia đình (cha mẹ, anh chị em).

Tuy nhiên, nếu cơn khóc của trẻ kéo dài hoặc kèm theo biểu hiện khác thường thì cần nghĩ ngay đến vấn đề khóc do bệnh lý và cần tư vấn của bác sĩ.

BS. Ái Thủy

(Theo Metronew.fr)

Giúp bé lạc quan

Lạc quan không phải là đặc tính “bẩm sinh” muốn tạo dựng cần thời gian, sự tự tin của bản thân và sự hỗ trợ của bố mẹ, gia đình. Niềm lạc quan giúp trẻ không thấy đó là thảm kịch khi có thất bại và hãy “vui thích” với những thành công trong cuộc sống.

- Tạo cho trẻ niềm tự tin

Nếu bạn là những bậc bố mẹ thì điều quan trọng là nên có những lời nói, động viên con trẻ vào những thời điểm thích hợp. Những câu nói như “Vì sao con thường bi quan, cáu gắt hay con là người luôn được nuông chiều…” điều đó đã tác động đáng kể đến nhân cách của chính đứa trẻ. Hãy tạo dựng niềm tin nơi trẻ, nên có những lời động viên an ủi để phần nào đem lại sự phấn khởi, giúp trẻ sửa chữa những khuyết điểm và hoàn thiện dần.

Theo Martin Seligman-Chủ tịch Hiệp hội Tâm Lý Mỹ thì không nên chỉ trích trẻ, điều này đôi khi gây nên trầm cảm, stress.... Điều quan trọng là không nên đánh mất niềm tin và đây là điều mà các bậc bố mẹ nên tránh!

- Thất bại không phải là thảm kịch!

Để tạo dựng niềm lạc quan nơi trẻ, nếu thành công đó là điều tuyệt vời, tuy vậy nếu thất bại thì đây là cơ hội để học hỏi thêm, ngay cả khi điều đó không như ý muốn của trẻ. Ở những trẻ có thái độ bi quan, khi có được những thành công trong học tập, trong công việc… đôi khi cho rằng đó là “kết quả”của sự may mắn, của ngẫu nhiên và trẻ lại “tưởng tượng” về sự thất bại có thể xảy ra trong tương lai! Nói chung trẻ thường tự đổ lỗi cho chính bản thân và không nhận ra những giá trị mà trẻ cố gắng nổ lực để có được. Để trẻ nhận ra những thất bại nhưng với niềm lạc quan thì các bậc cha mẹ nên nói cho trẻ biết rằng đó như là những “thách thức” trong cuộc sống và tương lai tốt đẹp vẫn còn phía trước, vậy hãy can đảm để tiến bước.

- Bố mẹ nên làm gì để tạo niềm lạc quan nơi trẻ

Là bố mẹ đôi khi bạn có quyền tự hào về những thành công mà con trẻ đạt được và giúp cho trẻ nhìn thấy những thất bại như là điều cần để học tập và sửa chữa. Có nhiều cách giúp trẻ có tinh thần lạc quan như tạo điều kiện để trẻ được tiếp xúc gần gũi với những người lạc quan yêu đời. Tuy vậy để không trở thành những người bi quan, hãy nên giúp trẻ thấy những đức tính tốt ở người lạc quan, động viên con trẻ nên tiếp xúc giao lưu với những người có suy nghĩ rằng khi họ giúp người nào thì như bản thân họ được hưởng điều tốt đẹp đó vậy!

Bạn nên dạy cho trẻ đừng bao giờ phạm lỗi có tính chất lập đi lập lại, có tính hệ thống. Nên có những lời giải thích để trẻ hiểu rằng trong quá trình sống và học tập dần dần con sẽ hiểu, sẽ nhận ra và có những thay đổi trong hành vi, trong thái độ rồi mọi điều dần dần sẽ tốt đẹp hơn lên!.

Hãy lạc quan yêu đời chứ đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, đừng bao giờ bi quan. Cuộc đời đang còn nhiều điều tốt đẹp phía trước và hãy nhớ rằng “Thất bại là mẹ thành công”.

Bs Ái Thủy

(Theo Maman Pour La Vie)

Đuối nước trên cạn, hung thần rình rập con bạn trong bể bơi

Thông thường, khi đi bơi về, các bé sẽ rất mệt, việc các bé kêu buồn ngủ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, ba mẹ hãy hết sức lưu ý giấc n...